Triệu chứng bệnh Đậu mùa khỉ
– Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi.
– Phát ban: nhìn giống như mụn nước, xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
– Hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần.
– Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.
Sau khi Việt Nam ghi nhận ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ đầu tiên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ như sau:
6 điều nên làm nhằm phòng bệnh Đậu mùa khỉ
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tát các dịch tiết đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi.
2. Thường xuyên rửa tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm bệnh.
Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.