Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng được thành lập từ năm 2006 theo quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 22/6/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Bệnh viện được tách ra từ Trung tâm y tế huyện Đông Hưng.
Trải qua 14 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã có những thay đổi tích cực bởi sự thay đổi về cơ chế quản lý đặc biệt là sự thay đổi về cơ chế quản lý tài chính từ bao cấp sang cơ chế tự chủ. Vì vậy trong cuốn kỷ yếu, chúng tôi chia thời kì này thành 2 giai đoạn; giai đoạn từ 2006 – 2015 (cơ chế quản lý bao cấp); giai đoạn từ 2016 đến nay (cơ chế tự chủ tự hạch toán).
- Bệnh viện đa khoa huyện Đông Hưng (2006 – 2015)
Năm 2006 bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng tách ra từ Trung tâm y tế Đông Hưng.
Ban Giám đốc gồm 02 đồng chí:
Giám đốc: Bác sĩ chuyên khoa II Trần Hữu Hạnh, Bí thư Đảng ủy
Thời gian giữ chức vụ từ 06/2006 – 03/2016
Phó giám đốc: Bác sĩ chuyên khoa II Triệu Hải Đông, Phó bí thư Đảng ủy
Thời gian giữ chức vụ từ 06/2006 – 08/2018
Năm 2008, bệnh viện được nâng hạng lên bệnh viện đa khoa hạng II theo Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 04 tháng 03 năm 2008 của UBND tỉnh Thái Bình. Sở Y tế bổ nhiệm thêm Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngân, Phó giám đốc, Chủ tịch công đoàn, thời gian giữ chức vụ từ tháng 8/2008 đến nay.
Trong thời kỳ 2006 – 2007 viện có 15 khoa, phòng:
4 phòng chức năng: Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Tài vụ – Kế toán, Phòng kế hoạch tổng hợp và Phòng Điều Dưỡng.
11 khoa: Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu, Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Sản, Khoa Nhi, Khoa Đông Y – PHCN, Khoa 3 chuyên khoa, Khoa Lây, Khoa Cận lâm sàng, Khoa Dược.
– Quy mô giường bệnh và tổ chức bộ máy:
Số giường bệnh thường xuyên được UBND tỉnh và Sở Y tế điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân theo từng thời kỳ: Năm 2006, Bệnh viện được giao 130 giường bệnh; năm 2009, tăng lên 160 giường bệnh; năm 2011, tăng lên 200 giường bệnh. Năm 2015, tăng lên 250 giường bệnh theo Quyết định số 3043/QĐ-UBND ngày 16/12/2014 của UBND tỉnh Thái Bình.
Tính đến ngày 23/6/2006, sau khi chia tách và thành lập Bệnh viện đa khoa Đông Hưng, nhân lực có 138 cán bộ, trong đó:
– Bác sĩ: 38 ( Bác sĩ chuyên khoa I: 16)
– Y sĩ: 11
– Điều dưỡng, NHS, KTV trung cấp và sơ cấp: 53
– Hộ lý 13
– Dược sĩ đại học: 01
– Dược tá, Dược sĩ trung học: 08
– Đại học khác: 02
– Nhân viên khác: 12
Quy mô bệnh viện ngày một lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng tiêu chí của bệnh viện đa khoa tuyến huyện hạng II và bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân:
Năm 2006, bệnh viện mới chỉ có 15 khoa phòng; Năm 2008, bệnh viện được nâng hạng II theo Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 04 tháng 03 năm 2008 của UBND tỉnh Thái Bình; Bệnh viện thành lập thêm Tổ Kiểm soát nhiễm khuẩn và mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện gồm Điều dưỡng trưởng các khoa lâm sàng và một số Trưởng khoa. Theo tiêu chí bệnh viện hạng II Bộ Y tế quy định bệnh viện còn thiếu: Phòng vật tư – thiết bị y tế, Khoa Nội tim mạch – Lão học, Khoa Lao, Khoa Da liễu, Khoa Thần kinh, Khoa Tâm thần, Khoa phẫu thuật, Khoa vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Khoa Ung bướu (điều trị tia xạ), Khoa hoá sinh, Khoa Thăm dò chức năng, Khoa Nội soi, Khoa giải phẫu bệnh.
Năm 2012, thành lập thêm Tổ Công nghệ thông tin (CNTT).
Năm 2013, thành lập thêm 3 khoa mới: Khoa Chẩn đoán hình ảnh (tách ra từ khoa Xét nghiệm), Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và Khoa Dinh Dưỡng;
Năm 2014, thành lập thêm Phòng CNTT, khoa Tai Mũi Họng;
Năm 2015, thành lập thêm Phòng Quản lý chất lượng, Khoa Răng Hàm Mặt và Khoa Vi sinh.
Sau 10 năm không ngừng phấn đấu và phát triển bệnh viện đã từng bước lớn mạnh, bệnh viện đã có 23 khoa phòng:
6 Phòng chức năng: Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Tài vụ – Kế toán, Phòng kế hoạch tổng hợp, Phòng Điều Dưỡng, Phòng Quản lý chất lượng, Phòng CNTT;
12 khoa Lâm sàng: Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu, Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Sản, Khoa Nhi, Khoa Đông Y – PHCN, Khoa Các bệnh nhiệt đới, Khoa Mắt, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Răng Hàm Mặt, Khoa Dinh dưỡng;
5 khoa Cận lâm sàng: Khoa Dược, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Xét nghiệm, khoa Vi sinh, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.
Đến 30/11/2015, bệnh viện được giao 190 biên chế, hiện có 171 cán bộ Trong đó bác sĩ: 46 (có 21 có trình độ trên đại học), điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên: 83 (trong đó 01 trình độ thạc sỹ; 34 có trình độ đại học, cao đẳng), Bệnh viện còn hợp đồng thêm lao động làm công tác bảo vệ, vệ sinh nội ngoại cảnh, cấp dưỡng…
– Các hoạt động nổi bật:
Bệnh viện từng bước hoàn thiện các tiêu chí của bệnh viện đa khoa tuyến huyện hạng II; không ngừng cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ, mua sắm bổ xung trang thiết bị để triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới đáp ứng tiêu chí của bệnh viện hạng II.
Bệnh viện được Hội chữ thập đỏ tỉnh giới thiệu hợp tác với tổ chức Đông Tây Hội Ngộ xây dựng, nâng cấp, bổ xung trang thiết bị cho khoa Đông y- Phục hồi chức năng với số vốn được tài trợ là 60.000 USD. Nhờ đó khoa đã phát triển thêm một số dịch vụ kỹ thuật mới như: kéo giãn cột sống, điện trị liệu,…. Khoa Đông Y – PHCN đã trở thành một khoa dẫn đầu công tác khám chữa bệnh chuyên khoa YHCT- PHCN trong các Bệnh viện tuyến huyện.
Năm 2009, bệnh viện được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị: Bệnh viện đã xây mới nhà Nội-Nhi. nhà Phẫu thuật-Phòng kỹ thuật Sản-Phụ khoa, Khoa dinh dưỡng và đã hoàn thành vào tháng 7 năm 2010.
Với tổng số vốn đầu tư gần 18 tỷ đồng (13,8 tỷ đồng xây dựng và 4,2 tỷ đồng trang thiết bị) nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã giúp cho bệnh viện có được cơ sở vật chất khang trang góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh.
Từ năm 2009, Bệnh viện còn được thụ hưởng dự án “Tăng cường Hệ thống y tế tuyến tỉnh”. Thông qua tổ chức hợp tác quốc tế (GIZ). Bệnh viện cử nhiều cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, chuẩn bị công tác cán bộ sẵn sàng triển khai kỹ thuật mới sau khi tiếp nhận trang thiết bị tài trợ trên các lĩnh vực như: Phẫu thuật nội soi, cấp cứu Nhi khoa, cấp cứu chấn thương, cấp cứu Sản khoa, cấp cứu – chăm sóc sơ sinh, chăm sóc người bệnh toàn diện, sử dụng thuốc an toàn hợp lý, phương pháp nghiên cứu khoa học, quản lý chất lượng bệnh viện, quản lý tài chính, quản lý điều dưỡng… Đặc biệt đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ, Dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên về xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể bệnh viện đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; với bản kế hoạch tổng thể đó bệnh viện đã xây dựng và phát triển bệnh viện theo đúng kế hoạch đã xây dựng. Xây dựng và phát triển bệnh viện với mục tiêu tổng quát: Xây dựng bệnh viện Đa khoa Đông Hưng trở thành bệnh viện phát triển toàn diện với đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật giỏi, phục vụ tận tuỵ người bệnh, môi trường làm việc trong sạch, luôn mở rộng hợp tác với các đơn vị bạn.
Dự án cũng giúp bệnh viện triển khai hệ thống CNTT đồng bộ, tiện ích cho công tác quản lý bệnh viện, quản lý khám chữa bệnh. Bệnh viện được lắp đặt hệ thống mạng LAN nội bộ; được cung cấp hệ thống máy tính: 01 máy chủ và 25 máy trạm. Công ty OneNet đã lắp đặt cho bệnh viện phần mềm quản lý tổng thể OneMes. Bệnh viện đầu tư thêm máy chủ, máy trạm và máy in. Lắp đặt máy phát điện 250 KWA bảo đảm cho bệnh viện hoạt động liên tục khi mất điện lưới. Phần mềm OneMes bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 01/2014 cho đến nay toàn bộ các hoạt động khám chữa bệnh từ khi tiếp đón người bệnh cho đến khi ra viện đã được cập nhật, theo dõi, xử lý trên phần mềm. 100% phiếu cấp phát, bệnh án điện tử được số hóa chính vì vậy công tác quản lý, theo dõi, giám định BHYT được kịp thời chính xác. Bệnh viện còn chủ động đề nghị với công ty mở rộng thêm một số phân hệ: Lắp đặt thêm màn hình chờ để gọi người bệnh, số hóa mã bệnh nhân, ứng dụng mã vạch trong khám chữa bệnh thực hiện ở các khâu: Tiếp đón, cấp phát thuốc, thanh toán viện phí.
Bệnh viện thực hiện Thông tư 07/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ Y tế, tổ chức cho các khoa chăm sóc người bệnh theo mô hình nhóm, mô hình đội phù hợp với nhân lực của các khoa.
Thực hiện Thông tư 08/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ Y tế về Dinh dưỡng tiết chế trong điều trị nội trú; Khoa dinh dưỡng được thành lập và hoạt động từ 8/2013. Bệnh viện đã cử các bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo tại Viện dinh dưỡng quốc gia Hà Nội. Khoa đã triển khai cung cấp 33/103 mã ăn bệnh lý tại giường bệnh do Bộ Y tế quy định; Khoa tổ chức tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú tại bệnh viện và cộng đồng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc phục vụ người bệnh, rút ngắn thời gian điều trị nội trú. Hoạt động của Khoa đã được Sở Y tế và Viện dinh dưỡng quốc gia đánh giá cao; được Bộ Y tế tặng Bằng khen; bệnh viện đã là cơ sở thực hành cho học viên của viện Dinh dưỡng quốc gia, được các đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh đến thăm quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm.
Bệnh viện còn được Dự án “Tăng cường Hệ thống y tế tuyến tỉnh” do ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) hỗ trợ gần 9 tỷ đồng trang thiết bị bao gồm: Hệ thống phẫu thuật nội soi, máy thở, nồi hấp tiệt trùng, máy chụp X.quang, máy kéo giãn cột sống…
Thực hiện Thông tư số 18/2009/TT-BYT của Bộ Y tế, thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, bệnh viện đã cải tạo khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, triển khai hấp sấy tập trung đáp ứng yêu cầu, phân loại và quản lý rác thải theo quy định.
Thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Bộ Y tế; để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Khoa khám bệnh đã xây dựng kế hoạch cải tiến quy trình khám bệnh; thực hiện chế độ ưu tiên theo quy định của Luật khám chữa bệnh. Bộ phận tiếp nhận có dải phân cách cứng để người bệnh xếp hàng theo thứ tự, sử dụng máy đọc mã vạch để nhập thẻ BHYT. Bệnh viện tăng cường cho khoa Khám bệnh bác sĩ, điều dưỡng trong giờ cao điểm và những ngày số lượng khám bệnh đông.
Thực hiện “Đổi mới phong cách và thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” theo Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04 tháng 06 năm 2015 của Bộ Y tế, bệnh viện đã thành lập tổ chăm sóc khách hàng gồm có 05 điều dưỡng hướng dẫn, hỗ trợ, đưa đón người bệnh nặng về khoa điều trị…
Cải cách thủ tục thanh toán viện phí, giảm số phòng thanh toán từ 2 phòng còn lại 1 phòng, tại tầng 1. Đồng thời sử dụng phần mềm OneMES đã giảm thời gian thanh toán cho người bệnh.
- Bệnh viện đa khoa Đông Hưng (2016 đến nay)
Để phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế y tế; thực hiện Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; Nghị quyết số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Thông báo kết luận số 963-TB/TU ngày 15/5/2015 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về chủ trương thí điểm tổ chức khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập. Bệnh viện đã tổ chức sắp xếp lại các Khoa, Phòng cho phù hợp để thực hiện tốt các quyết định trên.
– Mô hình tổ chức bệnh viện:
+ Tổ chức bộ máy:
Lãnh đạo Bệnh viện gồm 03 đồng chí:
Giám đốc: Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Minh Trọng, Bí thư Đảng ủy, thời gian giữ chức vụ từ 01/04/2016;
Phó giám đốc: Bác sĩ chuyên khoa II Triệu Hải Đông, Phó bí thư Đảng ủy, thời gian giữ chức vụ từ tháng 06/2006 đến tháng 08/2018;
Tháng 9/2016, Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Cải được Giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc bệnh viện, được Huyện ủy chuẩn y giữ chức Phó bí thư Đảng ủy thay bác sĩ Triệu Hải Đông nghỉ chế độ.
Phó giám đốc: Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngân, Chủ tịch công đoàn bệnh viện, thời gian giữ chức vụ từ tháng 8/2008.
Trong giai đoạn này, bệnh viện vẫn có 23 khoa, phòng: 6 Phòng chức năng, 12 khoa Lâm sàng và 5 khoa Cận lâm sàng.
+ Quy mô giường bệnh:
Năm 2016, bệnh viện được giao 250 giường bệnh (50 giường tự trang trải), do nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày một tăng nên đến năm 2018 bệnh viện được giao 300 giường bệnh kế hoạch (theo Quyết định số 1024/QĐ-SYT ngày 29/12/2017 của Sở Y tế tỉnh Thái Bình), bệnh viện đã trang bị bổ xung nâng số giường bệnh thực kê lên 372, chính vì vậy đã khắc phục triệt để tình trạng người bệnh phải nằm ghép.
+ Biên chế tổ chức:
Năm 2016, nhân lực: Chỉ tiêu biên chế được giao 190, hiện có 171 cán bộ trong biên chế và 39 cán bộ hợp đồng, trong đó bác sĩ: 50 (có 22 trình độ trên đại học); điều dưỡng, nữ hộ sinh và KTV: 89 (có 3 trình độ thạc sỹ; 10 có trình độ đại học); Dược sĩ: 11 (có 3 trình độ đại học); Hộ lý và lao động phổ thông: 13. Bệnh viện đã đóng BHXH cho 20 cán bộ hợp đồng.
– Các hoạt động nổi bật 2016 đến 2021:
Bệnh viện luôn bám sát tiêu chuẩn về quy mô và kỹ thuật của Bệnh viện hạng II. Đã cải tạo cơ sở vật chất, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển kỹ thuật cả 2 lĩnh vực lâm sàng và cận lâm sàng. Chính vì vậy đã tạo nên bước nhảy vọt về phát triển kỹ thuật đáp ứng tiêu chí bệnh viện hạng II.
Chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí “Chất lượng bệnh viện” của Bộ Y tế ban hành ngày một nâng cao: Năm 2016, đạt 2.86 cao nhất trong các bệnh viện tuyến huyện; năm 2017 đạt 2.97; năm 2018 đã đạt mức khá 3.0 (là 1 trong 2 bệnh viện tuyến huyện đạt mức này). Năm 2019, chất lượng bệnh viện đã được nâng lên đạt 3.23 bình quân các tiêu chí. Bệnh viện đã được Sở Y tế xếp loại thi đua là đơn vị đẫn đầu các bệnh viện tuyến huyện, đề nghị UBND tỉnh tặng cờ thi đua và trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng Bằng khen.
Các hoạt động nổi bật được thể hiện qua một số hoạt động sau đây:
+ Cơ chế quản lý:
Khám bệnh: Bệnh viện đã liên tục xây dựng Đề án cải tiến quy trình khám bệnh tại khoa Khám bệnh; thực hiện chế độ ưu tiên theo quy định của Luật khám chữa bệnh. Bệnh viện tăng từ 15 bàn khám lên 21 bàn vào các buổi sáng. Cán bộ Khoa Khám bệnh hàng ngày đi trước 30 phút, bệnh viện linh hoạt hoán đổi về sớm buổi chiều. Tăng cường cho Khoa Khám bệnh bác sĩ, điều dưỡng buổi sáng và những giờ cao điểm, buổi chiều về khoa điều trị làm việc. Cải cách thủ tục hành chính, bố trí lại khu vực khám tiểu đường, tăng số cán bộ lấy máu xét nghiệm và khoa xét nghiệm tăng số lần trả kết quả ngay tại các bàn khám, triển khai đo huyết áp tập trung chính vì vậy đã giảm thời gian chờ của người bệnh đáng kể. Cải cách thủ tục thanh toán viện phí, ứng dụng tiện ích phần mềm OneMES, hóa đơn điện tử, đã giảm thời gian thanh toán cho người bệnh. Các bàn khám và các phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh có bảng chỉ dẫn, có giấy hướng dẫn, giấy hẹn trả kết quả cụ thể, thực hiện các chế độ bình đẳng, công khai, minh bạch, hạn chế phàn nàn, thắc mắc của người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán viện phí. Người bệnh cơ bản đã hài lòng với các dịch vụ khám chữa bệnh được bệnh viện cung cấp.
Các khoa, phòng: Mặc dù cơ sở vật chất các khoa phòng phần lớn là các dãy nhà xây dựng đã lâu, phòng bệnh chật hẹp, không phù hợp với giai đoạn hiện nay; Bệnh viện đã không ngừng cải tạo, nâng cấp tu bổ, sửa chữa. Nội vụ buồng bệnh sắp xếp gọn gàng, duy trì phong trào 5S, lắp đặt các bảng biển chỉ dẫn khoa phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, người nhà dễ tìm, dễ thấy. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ; bảo đảm thông suốt đường giây nóng bệnh viện, lắp đặt hệ thống Camera giám sát an ninh ở các khu vực nhạy cảm… để kịp thời giải quyết những sự cố phát sinh xảy ra. Bệnh viện ký kết hợp đồng với công ty bảo vệ, trông giữ xe theo mô hình quẹt thẻ, ký cam kết với Công an Thị trấn, Công an Huyện trong công tác phối kết hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại bệnh viện.
Quản lý hồ sơ bệnh án: Bệnh viện đã khai thác và thực hiện hiệu quả phần mềm tin học quản lý tổng thể OneMes của Dự án cung cấp, từng bước tiến tới sử dụng bệnh án điện tử:
Tiếp nhận 100% thông tin hành chính người bệnh, không bị trùng lặp, thông tin chỉ cập nhật đầu vào 1 lần và được sử dụng cho tất cả quá trình khám điều trị về sau. Quản lý lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh. Số hóa 100% hồ sơ bệnh án điều trị nội trú, ngoại trú; tất cả thông tin được lưu trữ và in trực tiếp từ phần mềm. Quản lý, lưu trữ 100% hồ sơ bệnh án, giúp cho việc tìm kiếm, quản lý, lưu trữ được thuận lợi. Sử dụng phần mềm quản lý thuốc, vật tư y tế, hóa chất, lập dự trù và cấp phát dược, các biểu mẫu báo cáo theo quy định của Bộ Y tế và Bảo hiểm y tế về quản lý viện phí khám chữa bệnh ngoại trú, điều trị nội trú.
Cơ chế tài chính: Thực hiện chuyển dần theo cơ chế tự chủ về tài chính qua các năm; năm 2016, bệnh viện được cấp kinh phí đủ hoạt động trong 7 tháng còn 5 tháng tự trang trải từ nguồn viện phí; năm 2017, bệnh viện được cấp kinh phí đủ hoạt động trong 5 tháng còn 7 tháng tự trang trải; từ năm 2018, thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên.
+ Hoạt động xã hội hóa:
Từ các bài học kinh nghiệm thực tiễn tại một số bệnh viện trong tỉnh: Bệnh viện đa khoa Thái Bình, Bệnh viện Phụ Sản, Bệnh viện Nhi Thái Bình và một số bệnh viện ở các địa phương như Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… triển khai rất hiệu quả công tác xã hội hoá y tế, đáp ứng yêu cầu của người bệnh, thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao, phát triển được chuyên môn kỹ thuật, tăng được nguồn thu cho ngân sách; từng bước giảm đầu tư công của Nhà nước cho lĩnh vực y tế. Bệnh viện đã tổ chức cho các cán bộ quản lý đi tham quan học tập ở các đơn vị đã triển khai có hiệu quả công tác xã hội hóa y tế: Bệnh viện Hải Hậu, Nam Định, Bệnh viện Hạ Hòa, Phú Thọ, Bệnh viện Thành phố Vinh, Nghệ An. Sau các chuyến tham quan học tập, nhận thức của cán bộ đã chuyển biến rõ nét, đã có nhiều giải pháp áp dụng vào tình hình thực tế của khoa phòng mình để triển khai thực hiện.
Bệnh viện xây dựng: “Đề án thực hiện một số dịch vụ theo yêu cầu trong khám chữa bệnh tại bệnh viện”; Việc xây dựng Đề án nhằm thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với mục tiêu đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, hạn chế tình trạng chuyển tuyến. Việc tổ chức các dịch vụ theo yêu cầu trong khám chữa bệnh tuân thủ theo các quy định của Nhà nước, đồng thời bảo đảm sự công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật. Bệnh viện đã trình Sở Y tế, UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai thực hiện thí điểm.
Đề án với các dịch vụ sau:
+ Khám bệnh theo yêu cầu;
+ Chăm sóc, điều trị nội trú theo yêu cầu;
+ Dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu (mời chuyên gia tuyến trên).
Năm 2017, bệnh viên triển khai khu chăm sóc và điều trị theo yêu cầu tại 2 khoa: Khoa Nội và Khoa Phụ sản với 30 giường bệnh, người bệnh thường xuyên đăng ký sử dụng dịch vụ này với công suất đạt > 95%.
Năm 2018, triển khai dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu (mời chuyên gia tuyến trên) hàng tháng đã thực hiện được 5-10 ca phẫu thuật ngoại khoa như: Phẫu thuật nội soi cắt chỏm nang thận, Phẫu thuật nội soi sỏi niệu quản, Tán sỏi bàng quang cơ học…
Tháng 03 năm 2019, đã triển khai dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu được 25 -30 ca/ngày. Tổ Công tác xã hội đã đưa đón, hướng dẫn người bệnh làm các thủ tục, cận lâm sàng nhanh gọn; người bệnh rất hài lòng với dịch vụ yêu cầu mà bệnh viện triển khai; số lượng người đăng ký dịch vụ ngày một tăng.
Bệnh viện còn mở rộng triển khai dịch vụ kỹ thuật tự nguyện và các dịch vụ ngoài phạm vi chi trả của BHYT, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Các hoạt động xã hội hóa, đặc biệt là triển khai thực hiện được đề án Chăm sóc và mời chuyên gia theo yêu cầu, khám chữa bệnh theo yêu cầu.. theo chủ trương của UBND tỉnh và Sở Y tế đạt kết quả tốt, được người dân đồng tình ủng hộ.
+ Nhân lực y tế:
Bệnh viện đã có nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài; vì vậy đến nay cơ bản đã có đủ số lượng bác sĩ đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh và có điều kiện cho các bác sĩ được đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Năm 2019, đã tuyển dụng được 10 bác sĩ đa khoa chính quy (số lượng nhiều nhất từ trước đến nay). Với chính sách đó, đến nay mặc dù bệnh viện chỉ được giao 185 biên chế, nhưng bệnh viện đã có tổng số cán bộ viên chức và người lao động là 244 người, trong đó có 60 bác sĩ (gần 50 % có trình độ chuyên khoa II, thạc sỹ, chuyên khoa I). Các điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh: 110 người (100% có trình độ cao đẳng, đại học; 05 thạc sỹ và chuyên khoa I). Dược sĩ: 11 trong đó 02 trình độ Đại học, 01 chuyên khoa I.
Đời sống cán bộ ngày một nâng lên, nhận thức cán bộ về thực hành tiết kiệm, ý thức trách nhiệm với cơ quan đơn vị ngày một tăng. Nội bộ đoàn kết thống nhất, các đoàn thể hoạt động có chất lượng. Tinh thần thái độ phục vụ người bệnh ngày một nâng lên, cơ bản đáp ứng sự hài lòng người bệnh, đã thu hút được người dân trong và ngoài huyện đến sử dụng dịch vụ của bệnh viện cung cấp ngày càng tăng.
+ Trang thiết bị:
Bệnh viện được UBND tỉnh, Sở Y tế hỗ trợ, trang bị máy chụp X.Quang kỹ thuật số công nghệ CR, máy siêu âm màu 4D, máy gây mê kèm thở, máy nội soi khí phế quản ống mềm, máy đo lưu huyết não.
Bệnh viện tự cân đối ngân sách mua thêm máy Nội soi dạ dày, đại tràng ống mềm công nghệ video, Hệ thống phẫu thuật Phaco, Máy siêu âm điều trị, Monitoring theo dõi bệnh nhân, dụng cụ phẫu thuật nội soi tiết niệu…
Năm 2020, Bệnh viện chủ trương sẽ Liên doanh liên kết lắp đặt hệ thống chụp CT.Scanner 32 lát cắt, hệ thống chạy thận nhân tạo, hệ thống xét nghiệm miễn dịch để phục vụ công tác khám chữa bệnh, nâng cao thương hiệu và chất lượng bệnh viện.
+ Môi trường bệnh viện:
Thực hiện tốt Quyết định số 6573/QĐ-BYT ngày 03/11/2016 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn triển khai cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp”. Khuôn viên bệnh viện được cải tạo, nâng cấp đáp ứng tiêu chí trên.
Bảo vệ môi trường được bệnh viện đặc biệt quan tâm, công tác phân loại, thu gom, lưu trữ, vận chuyển, sử lý chất thải rắn thực hiện đúng theo quy định. Thu gom triệt để nước thải y tế phát sinh trong bệnh viện đưa về hệ thống xử lý nước thải chung của bệnh viện để xử lý. Năm 2017, bệnh viện đã được UBND tỉnh cấp giấy phép xả thải ra môi trường, được cấp Quyết định về việc đã hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bệnh viện duy trì thuê 2 máy giặt công nghiệp, 1 máy sấy, 1 máy vắt đủ công suất bảo đảm cung cấp cho 100% bệnh nhân nội trú được mượn đồ vải hợp vệ sinh (quần, áo, chăn, màn, ga, gối). Xây dựng và duy trì Quy trình quản lý, mượn đồ, tạo thuận tiện cho người bệnh.
+ Một số chỉ tiêu chuyên môn:
Khám bệnh trung bình từ 600 – 800 lượt/ngày, có những ngày cao điểm lên tới 1000 lượt bệnh nhân. Điều trị nội trú duy trì từ 350 – 400 người bệnh/ngày, Phẫu thuật Ngoại khoa, Sản phụ khoa và các chuyên khoa ngày một tăng, đến nay đã thực hiện được trên 2.500 ca/năm (tăng gấp đôi so với các năm trước đây), đặc biệt phẫu thuật Nội soi (được thực hiện tại bênh viện từ năm 2012), Phẫu thuật loại 1, phẫu thuật lấy thai lần 2, lần 3 ngày một tăng.
Ký kết hợp đồng với các đơn vị tuyến trên: Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, Bệnh viện Mắt Thái Bình, để mời chuyên gia theo yêu cầu về thực hiện các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao.
Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật lâm sàng mới và các dịch vụ yêu cầu: Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco, Tán sỏi bàng quang, Phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn, Phẫu thuật hạ tinh hoàn lạc chỗ, u tuyến giáp. Phẫu thuật nội soi cắt chỏm nang thận, sỏi niệu quản, túi mật, Phẫu thuật nội soi phụ khoa; Phẫu thuật sỏi thận, kết hợp xương (vỡ xương mâm chày), giảm đau trong đẻ (đẻ không đau)… Điển hình các Khoa: Khoa Ngoại, Khoa sản và Đông Y-PHCN là những khoa đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu.
Các dịch vụ cận lâm sàng mới thực hiện tại bệnh viện ngày càng nhiều: Xét nghiêm gen Xpert/MTB phát hiện Lao; Nội soi Dạ dày, Đại-Trực tràng gây mê; Điện giải đồ, Nghiệm pháp dung nạp glucose cho bệnh nhân, Nghiệm pháp dung nạp glucose cho phụ nữ có thai, Helicobacter pylori Ag test nhanh, Dengue virus NS1Ag test nhanh, Rotavirus Ag test nhanh, Influenza virus A, B test nhanh…
Ứng dụng CNTT hiệu quả, tin học hóa trong khám chữa bệnh và thanh toán viện phí, giám định BHYT. Bệnh viện có nhiều sáng kiến phát triển, mở rộng tiện ích phần mềm mạng LAN để cập nhật nhanh số liệu khám chữa bệnh và bàn giao bệnh nhân cho các khoa. Bệnh viện đã áp dụng máy đọc mã vạch để tiếp nhận khám bệnh, thanh toán viện phí và cấp phát thuốc.