Báo cáo, quản lý sự cố y khoa dần trở thành nhu cầu sống còn của các bệnh viện và cũng là yêu cầu bắt buộc thực hiện sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BYT về việc “Hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Nếu bệnh viện triển khai tốt báo cáo sự cố sẽ giúp bệnh viện chủ động cải tiến chất lượng; hỗ trợ, bảo vệ cho nhân viên y tế an toàn hơn, phát hiện sớm và giảm thiệt hại khi có những sự cố không mong muốn.
Tại bệnh viện đa khoa Đông Hưng, thực hiện báo cáo, phân tích, thống kê sự cố y khoa từ cuối năm 2018. Sau 2 năm thực hiện, bệnh viện đã tiếp nhận 219 sự cố (2019: 78 sự cố; 2020: 141 sự cố), 100% là báo cáo sự cố tự nguyện dưới hình thức báo cáo bằng văn bản giấy. Việc báo cáo sự cố bằng văn bản giấy vừa mất thời gian báo cáo, thống kê báo cáo; sự cố y khoa tiếp nhận chậm, thường 1 ngày sau khi xảy ra sự cố; đồng thời gây tâm lý e ngại cho nhân viên y tế, không khuyến khích được nhân viện y tế báo cáo sự cố.
Xuất phát từ nhu cầu và hạn chế đó, nhằm mục đích xây dựng một hệ thống quản lý sự cố cần báo cáo nhanh chóng, xử lý kịp thời, tuân thủ quy định của cơ quan quản lý, đồng thời thuận tiện cho nhân viên y tế chúng tôi nhận thấy cần phải có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin thiết lập hệ thống báo cáo một cách hiệu quả dựa trên phần mềm, khắc phục được những nhược điểm của hình thức báo cáo truyền thống như: báo cáo miệng trực tiếp, báo cáo bằng điện thoại, bằng văn bản giấy, đồng thời nâng cao hiệu quả lưu trữ thông tin, thống kê sự cố.
Giao diện và các tính năng của phần mềm
Giao diện màn hình chính
– Phần mềm có 3 tính năng nổi bật
+ Tính năng thứ nhất: Tính năng thuận tiện kể đến đầu tiên là phần mềm được tích hợp vào phần mềm quản lý văn bản trên hệ thống mạng LAN đang triển khai rất hiệu quả tạo bệnh viện. Khi đăng nhập vào phần mềm cùng một lúc người sử dụng ngoài báo cáo, thống kê, phân tích sự cố còn có thể xem Bảng phân trực và vào hệ thống quản lý văn bản nội bộ của bệnh viện.
+ Tính năng thứ hai: Cho phép người báo cáo sự cố báo cáo sự cố theo đúng mẫu báo cáo được ban hành tại Thông tư 43/2018/TT-BYT thay vì phải viết báo cáo bằng văn bản giấy tốn nhiều thời gian viết báo cáo và nộp báo cáo.
Bước 1: Vào mục “Báo cáo sự cố” và “Thêm” để thực hiện báo cáo
Bước 2: Điền các thông tin trong báo cáo, nhấn “Cập nhật hồ sơ” để hoàn tất
Với tính năng này khoa phòng có thể quản lý và thống kê nhanh được số lượng sự cố đã báo cáo theo thời gian với đầy đủ các thông tin bắt buộc cần báo cáo, bảo mật được thông tin của người thực hiện báo cáo, tiết kiệm thời gian, các thông tin yêu cầu bắt buộc nếu không điền đầy đủ trong báo cáo thì sẽ không gửi được báo cáo. Tất cả các điều này đã khắc phục được các nhược điểm của báo cáo truyền thống bằng văn bản giấy.
Giao diện này cũng cho phép người báo cáo sửa các thông tin trên báo cáo nếu báo cáo gửi lên bộ phận tiếp nhận đang ở trạng thái “Chờ tiếp nhận”
+ Tính năng thứ 3: Dành cho bộ phận cán bộ chuyên trách Quản lý chất lượng và Lãnh đạo bệnh viện theo dõi được sự cố y khoa được báo cáo, tiếp nhận, xử lý và thống kê số lượng và trích xuất ngay được danh sách sự cố đã báo cáo theo thời gian, theo khoa phòng. Giúp nhà quản lý tiết kiệm thời gian; tiếp nhận, phân tích sự cố nhanh chống kịp thời.
Theo dõi sự cố y khoa được báo cáo, tiếp nhận
Tổng hợp sự cố y khoa toàn viện
Tìm hiểu và phân tích sự cố (phụ lục 2 của Thông tư 43/2018/TT-BYT)
Tìm kiếm sự cố theo khoa phòng và thời gian